Số 1+2

Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Kon Plông, Kon Tum

Kon Plông là huyện miền núi của tỉnh Kon Tum có diện tích rừng là 114.766ha (độ che phủ rừng chiếm gần 66%). Kon Plông giáp ranh giới với tỉnh Quảng Ngãi và Gia Lai nên công tác quản lý bảo vệ rừng rất phức tạp. Hệ thống rừng Kon Plông có vị trí, vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, điều hành sinh thái trong vùng, cung cấp nguồn nước cho các công trình thủy lợi, thủy điện của ba tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi và Gia Lai. Đặc biệt, rừng Kon Plông còn là địa bàn chiến lược quân sự quan trọng của Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng, cũng là nơi mà tiềm năng về du lịch sinh thái rừng được các nhà đầu tư du lịch trong nước quan tâm hướng đến đầu tư khai thác. Bên cạnh mặt thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường sinh thái trong vùng, do đặc điểm về điều kiện tự nhiên - xã hội, như huyện miền núi miền sâu, có ranh giới địa lý giáp với hai tỉnh Quảng Ngãi và Gia Lai, giao thông đi lại khó khăn, hiểm trở; diện tích rộng, dân cư thưa thớt, trên 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống kinh tế thuần nông, chủ yếu dựa vào rừng nên tình trạng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng thường xuyên diễn ra... Ngang qua huyện còn có đường đông Trường Sơn đi qua nên tất cả những yếu tố không thuận lợi đó đã gây khó khăn, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương.

Từ khi huyện được thành lập (năm 2002) đến nay, Hạt Kiểm lâm Kon Plông đã cố gắng khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ông Nguyễn Tấn Phát, phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kon Plông cho biết: Với đặc điểm vừa thuận lợi, vừa khó khăn của một huyện miền núi đất rộng người thưa, giao thông đi lại khó khăn... Với điều kiện đơn vị chỉ có 18 cán bộ, công chức (14 biên chế và 4 hợp đồng). Có 9 kiểm lâm địa bàn phụ trách ở 9 xã. Bình quân mỗi kiểm lâm địa bàn phải phụ trách trên 12 nghìn hécta diện tích có rừng, trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, chế độ và phương tiện làm việc..., nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, cấp trên, sự cố gắng của đơn vị nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Về công tác quản lý bảo vệ rừng, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đồng bào địa phương và làm tốt công tác phối kết hợp giữa chính quyền địa phương, chủ rừng với kiểm lâm địa bàn, nên đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng trên. Từ năm 2002 đến nay, bình quân hàng năm chỉ có khoảng 10 vụ vi phạm. Đa số các vụ vi phạm là phát rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ để làm nhà ở. Một số vụ vi phạm về khai thác gỗ nghiêm trọng là do các đối tượng ở vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh. Đặc biệt, từ khi huyện được thành lập (năm 2002) đến nay, trên địa bàn chỉ xảy ra một vụ cháy rừng trồng ở xã Pờ Ê, mức độ thiệt hại không đáng kể. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân địa phương, nên ý thức chấp hành pháp luật và sự tham gia của người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng rất hiệu quả. Do biết kết hợp phương thức gắn kết quyền lợi, trách nhiệm của người dân, chủ rừng với rừng thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng quy định việc được hưởng lợi các lâm sản phụ từ rừng nên động viên được tinh thần tự giác của cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất đạo đức, về tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức trong đơn vị đã nâng cao ý thức đạo đức và tinh thần trách nhiệm của từng người trong thực thi công vụ, vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

HOÀI BẮC
Số lượt đọc:  1011  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:45:13 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH