Số 1+2

Công tác bảo vệ rừng ở Ngọc Hiển

Ngọc Hiển là huyện phía nam của tỉnh Cà Mau, có diện tích tự nhiên 72.000ha, đất lâm nghiệp 65.000ha, có rừng trên 36.000ha, trong đó 8 đơn vị trực tiếp quản lý bảo vệ và trên 9 nghìn hộ dân nhận đất, nhận rừng với diện tích gần 31.000ha.

Địa bàn huyện Ngọc Hiển có 6 xã, với 8 đơn vị trực tiếp quản lý bảo vệ: Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển, Nông trường 414, Lâm ngư trường Trảng Sáo, Sư đoàn 8, Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, Nhưng Miên và Đất Mũi. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, họ thường vào rừng khai thác lâm sản phụ và các sản phẩm dưới tán rừng để bán nhằm cải thiện đời sống cho gia đình.

Ngọc Hiển là vùng sâu vùng xa có nhiều ưu thế về mặt kinh tế xã hội, hơn nữa do đặc thù của hệ sinh thái rừng ngập nước, cây gỗ nhỏ, giá trị kinh tế thấp, người dân ít quan tâm đến lợi ích trực tiếp từ việc sản xuất kinh doanh nghề rừng, mà tập trung khai thác thủy sản dưới tán rừng. Nhu cầu sử dụng gỗ trong đời sống sinh hoạt tại chỗ rất lớn nên tài nguyên rừng luôn bị tác động tiêu cực từ cộng đồng dân cư. Lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng, chính quyền địa phương đã có cố gắng tăng cường nhiều biện pháp quản lý bảo vệ rừng nhưng vẫn không ngăn chặn triệt để các hành vi xâm hại đến rừng. Rừng phòng hộ ven biển và Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là hai nơi tập trung khá nhiều dân cư từ nơi khác đến hình thành “điểm nóng” về nạn chặt phá cây rừng, vận chuyển lâm sản trái phép. Hạt Kiểm lâm cùng với chính quyền địa phương nhất là kiểm lâm địa bàn đã tích cực tuần tra, kiểm tra nhưng những đối tượng này đã lén lút vào rừng chặt phá cây rừng rất tinh vi.

Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn thường xuyên xây dựng kế hoạch phối hợp các lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên toàn lâm phần, đồng thời bố trí mạng lưới xuống các điểm nóng chặt phá cây rừng cũng như những điểm có lò than tại các xã Tân Ân, Tân Ân Tây, Viên An, Viên An Đông, Đất Mũi... Ngọc Hiển có 6 xã, trong đó có 4 xã có kiểm lâm địa bàn, 2 xã chỉ bố trí kiểm lâm phụ trách địa bàn (không thường xuyên). Kiểm lâm địa bàn đã thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra giám sát và hướng dẫn tổ chức triển khai phương án đã được duyệt phù hợp với tình hình thực tế và thực hiện tốt chủ trương 3 bám “kiểm lâm bám dân, bám rừng và bám chính quyền cơ sở” để kịp thời báo cáo mọi thông tin về lãnh đạo, từ đó có hướng xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, Công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển và các ban quản lý đã thành lập đội tuần tra bảo vệ rừng, có phạm vi hoạt động không giới hạn, không ấn định thời gian. Đáng kể là công tác phối hợp các lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Bộ đội, Công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển, các ban quản lý, chính quyền địa phương thống nhất với nhau trong việc kiểm tra và xử lý các đối tượng vi phạm, tạo thành một hệ thống tuần tra, chốt chặn vững chắc trong công tác bảo vệ rừng.

Một trong những thành công trong công tác phối hợp giữa các lực lượng đó là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng. Mặc dù lực lượng tham gia còn mỏng, kiểm lâm địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng, bằng nhiều hình thức khác nhau cũng như phối hợp với Đài truyền thanh huyện, Ban văn hóa xã để đưa các nội dung tuyên truyền tới từng hộ dân, tranh thủ các buổi họp dân lồng ghép nội dung tuyên truyền bảo vệ rừng được 216 đợt, có 2.028 người dự, khảo sát các hộ sống trong và ven rừng vận động ký cam kết thực hiện quy ước bảo vệ rừng ở cộng đồng dân cư. Thường xuyên tổ chức họp kiểm điểm, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, chấn chỉnh tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người vi phạm. Từ đó mỗi người dân nhận khoán đất rừng đã thấy vai trò trách nhiệm, nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ rừng.

Tính từ đầu năm 2008 đến nay Kiểm lâm Ngọc Hiển phối hợp cùng với chính quyền địa phương tuần tra kiểm soát phát hiện và xử lý 164 vụ vi phạm, trong đó nhiều nhất là khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép lên đến 137 vụ, thiệt hại 111m3 gỗ; 234ster củi các loại; xuồng 6 chiếc; máy nổ 8 cái; phá hủy 985 lò than, thu nộp ngân sách nhà nước gần 250 triệu đồng. Nhờ những việc làm trên mà số vụ vi phạm ở Ngọc Hiển giảm đáng kể, so với cùng kỳ năm 2007 giảm 70 vụ. Những thành quả đã đạt được là có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, cùng với sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa kiểm lâm, chính quyền địa phương, nhân dân, chủ rừng ngày càng thắt chặt hơn.

DƯƠNG HOÀI PHƯƠNG
Số lượt đọc:  825  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:40:04 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH