Số 1+2

Cơ hội và thách thức của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Miền Tây Nghệ An

Miền Tây Nghệ An được tổ chức văn hóa, Khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESSCO) chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới vào ngày 18/9/2007 và được đưa vào bản đồ thế giới các KDTSQ. Khu dự trữ được thiết lập trên cơ sở ba khu rừng đặc dụng của Nghệ An gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, đã tạo ra hành lang xanh đảm bảo sự liên tục về cảnh quan và nơi sống cho các loài thú nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó Vườn quốc gia Pù Mát đóng vai trò quan trọng, các hoạt động quản lý điều hành, bảo tồn và phát triển của Khu dự trữ chủ yếu được thực hiện tại đây. Đây cũng là Khu dự trữ có diện tích lớn nhất (hơn 1,3 triệu hécta) trong số 6 KDTSQ đã được công nhận ở Việt Nam. Việc Miền Tây Nghệ An được công nhận là KDTSQ thế giới là niềm vinh dự lớn lao của nhân dân Nghệ An nói riêng và của cả nước nói chung, mở ra cơ hội lớn cho Miền Tây Nghệ An hay Vườn quốc gia Pù Mát thu hút các nguồn đầu tư và các nguồn tài trợ khác phục vụ cho công tác bảo tồn cũng như các vấn đề khác liên quan mật thiết với công tác bảo tồn như thay thế sinh kế cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi của Nghệ An... Nằm trong chiến lược của đề án “Phát triển kinh tế xã hội miền tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010” do Thủ tướng phê duyệt với mục tiêu “Đưa Miền Tây tỉnh Nghệ An thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống vật chất đồng bào được nâng cao, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, biên giới, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bảo vệ tốt quốc phòng an ninh biên giới và môi trường sinh thái bền vững”. Đồng thời, cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho vùng đất này trong công tác bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Do diện tích lớn, trải rộng trên 9 huyện Miền Tây của Nghệ An, dân số trong KDTSQ có hơn một triệu người với gần 20 dân tộc ít người, tỷ lệ nghèo đói rất cao, cùng với đó là áp lực của kinh tế thị trường nên công tác quản lý bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Vấn đề thách thức lớn nhất đối với công tác bảo tồn ở đây là săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ và các lâm sản ngoài gỗ trái phép. Do lợi nhuận cao nên người dân trong vùng và vùng lân cận vẫn tiến hành các hoạt động trái phép này. Cùng với đó là việc chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, khai thác khoáng sản là những mối đe dọa lớn cho công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, do địa bàn trải rộng và lực lượng thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo tồn mỏng, phương tiện trang bị còn thiếu nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư của nhà nước về cơ sở vật chất, thiết bị hạn hẹp đã ảnh nhiều đến việc quản lý bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường của Nghệ An.

Trước những cơ hội và thách thức nêu trên, Ban quản lý Vườn quốc gia và các khu bảo tồn đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý và phát triển bền vững KDTSQ:

- Tập huấn nâng cao nhận thức và hiểu biết về KDTSQ: Việc quản lý, điều hành hoạt động của hệ thống các KDTSQ ở Việt Nam nói chung, đặc biệt là ở Nghệ An còn rất mới mẻ nên cần tập huấn đào tạo, tuyên truyền cho lãnh đạo chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan và nhân dân trong vùng hiểu biết về KDTSQ là gì? tầm quan trọng của KDTSQ và khi có KDTSQ thì người dân sẽ được hưởng lợi gì, có ảnh hưởng đến đời sống kinh tế hay không... Đặc biệt cần làm rõ giá trị của KDTSQ Miền Tây Nghệ An, nhiệm vụ của KDTSQ trong thời gian tới, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của KDTSQ Miền Tây Nghệ An, vai trò của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong KDTSQ.

- Tập huấn nâng cao năng lực và tổ chức bộ máy quản lý của vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của vườn quốc gia. Bổ sung nhân lực cho các khu rừng đặc dụng, thu hút thêm cán bộ giỏi về chuyên môn và từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực công tác. Xây dựng quy chế phối kết hợp giữa cán bộ vườn quốc gia với các cấp, ngành địa phương, thôn bản và các lực lượng khác trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Thu hút các dự án đầu tư của các tổ chức trong nước và quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Miền Tây Nghệ An và thu hút các nhà đầu tư vào công tác du lịch.

- Nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về vườn quốc gia, khu bảo tồn thuộc KDTSQ cho cộng đồng người dân địa phương bằng việc tăng cường tuyên truyền cho tất cả người dân hiểu biết về giá trị của rừng, vai trò của đa dạng sinh học trong cộng đồng để từ đó vận động quần chúng nhân dân tham gia quản lý bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường.

- Nâng cao kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học với đa dạng văn hóa thông qua tập huấn về lập kế hoạch bảo tồn từ cấp trạm đến vườn để quản lý tốt diện tích rừng được giao, đặt vị trí của vườn quốc gia ngang tầm với mức độ đa dạng sinh học. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Tổ chức nghiên cứu, đánh giá về đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa qua các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển các dự án bảo tồn có sự tham gia của người dân và vận động nhân dân sống quanh vùng đệm tham gia công tác bảo tồn. Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về các vấn đề khoa học, đặc biệt các đề tài nghiên cứu chuyên sâu như biến đổi khí hậu, đặc điểm của một số loài động, thực vật…

- Đầu tư phát triển kinh tế xã hội cho cộng đồng dân cư trong KDTSQ, quy hoạch khai thác mang tính bền vững những khả năng sinh lời về vật chất góp phần để phát triển kinh tế hộ, trang trại ở các khu dân cư vùng đệm, kết hợp khai thác phát triển tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng người dân tộc thiểu số trong KDTSQ. Xây dựng các cụm dân cư để phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo để người dân không xâm hại rừng, phát triển chiến lược sinh kế an sinh kết hợp với bảo tồn, sản xuất sạch gắn hiệu quả bảo tồn với các vấn đề kinh tế xã hội và phát triển du lịch sinh thái đối với cả vùng kế cận. Đảm bảo cơ chế tài chính, chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ tuần tra rừng, hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ kiểm lâm vườn quốc gia, các khu rừng đặc dụng. Hỗ trợ kinh phí cho lực lượng bảo vệ rừng của cộng đồng và lực lượng chuyên trách, góp phần hạn chế các xâm hại của người dân, tạo vốn đầu tư để quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học. Cung cấp trang thiết bị phục vụ công tác tại các trạm quản lý bảo vệ rừng, tăng cường trang thiết bị cho cán bộ trực tiếp tham gia giám sát, quản lý các hoạt động trái phép xảy ra ở vườn quốc gia, đồng thời chăm lo chỗ ở, chỗ làm việc cho cán bộ, nhân viên, hỗ trợ các thiết bị hiện đại phục vụ công tác bảo tồn và xây dựng thư viện sách, tài liệu chuyên môn.

- Hàng năm gửi các cán bộ chuyên môn tham gia các khóa đào tạo, tập huấn ngắn ngày và dài ngày. Tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương với chuyên đề về công tác bảo tồn và thường xuyên cung cấp những hiểu biết về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cập nhật các hiểu biết mới về đa dạng sinh học.

Để thực hiện được những giải pháp này thì Vườn quốc gia Pù Mát nói riêng và KDTSQ nói chung cần thiết phải có các chương trình, dự án đầu tư. Chính vì vậy, nơi đây đang kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ về nghiên cứu cũng như vật chất để nơi đây bảo tồn được tài nguyên đa dạng sinh học, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân và giữ gìn, phát triển các bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người Miền Tây Nghệ An.

THANH NHÀN - ANH TUẤN
Số lượt đọc:  710  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:51:08 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH