Số 1+2

Chuyện rừng

Ba Sào trở về sau bao năm tù tội. Ông không còn được gặp người anh cả. Người anh đã từng đứng mũi chịu sào nuôi nấng ba anh em, khi bố mẹ mất sớm trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Người anh ra đi nhẹ nhàng bởi bệnh ung thư vòm họng. Hậu quả của những năm tháng tù đày, tra tấn dã man ở Côn Đảo.

Tay run run cắm những nén hương lên ban thờ cho bố mẹ, cho anh mà lệ Ba Sào cứ chảy dài xuống gò má, khi nghe chú em kể lại trước lúc hấp hối người anh còn dặn: "xem mà cứu lấy thằng Ba Sào kẻo tội nghiệp nó"...

***

Ba Sào biết vì mình mà người anh đã phải vất vả, liên lụy nhiều lần. Ông nhớ như in câu chuyện xốc nổi, dại khờ cách dây ba mươi lăm năm về trước. Cái chấm phá ấy đã làm nhoè nhẹt cuộc đời ông: để rồi tạo nên một mảng sạt lở kéo tụt đời ông xuống sát gần mặt đất. Dẫu sau này ông có cố gắng đến mấy cũng không ngóc đầu lên nổi.

Dạo đó ông mới hai mươi lăm tuổi. Là công nhân Lâm trường Phú Quý. Ông khỏe như vâm, nên việc ăn đấu làm khoán bao giờ cũng vợt trội hơn người. Việc cuốc hố, trồng cây mỗi ngày người khỏe cũng chỉ làm được non sào; nhưng ông có thể làm được ba sào. Vì thế anh em trong tổ cứ đùa vui gọi một cách thân thương là anh "Ba Sào". Thật ra anh có tên là Hào - Hoàng Hào. Từ đó cái tên Ba Sào đã theo anh cả cuộc đời. Ba Sào không có cái vẻ đẹp hào hoa phong nhã, nhưng bù lại cái vẻ đẹp của người đàn ông là cơ thể cường tráng. Với tấm lòng chân thật và đức tính cần cù chịu thương, chịu khó. Với chiều cao một mét bảy, có cái cằm nhọn trông hơi khó coi, nhưng lại có cái mũi thẳng và đôi mắt trong sáng, bộ ngực nở nang và đôi tay rắn chắc... Đã nhiều năm Ba Sào được bầu là lao động tiên tiến và mấy năm liền là chiến sỹ thi đua. Anh đang được Chi bộ bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng. Đùng một cái, tin dữ như một tiếng sét nổ làm vang động cả núi rừng, khiến những người yếu tim, non gan có thể đột ngột chết lặng: ấy là Ba Sào đánh ông Tứ - bí thư chi bộ gần chết... Hôm sau thì mọi người đã có chuyện để mà kháo nhau: Đêm qua Ba Sào nổi giận khi nghe Liên kể lại - Liên là người con gái trong tổ thương yêu anh, nguyện trao gửi cả cuộc đời cho anh. Liên nói: "... Tháng này ông đội trưởng và ông bí thư chi bộ cắt mất mười công ốm của anh. Họ bảo không làm lương đâu, lại còn tung tin anh ốm giả bộ." Với Ba Sào đây là một cú sốc. Vì sự xúc phạm đến bản chất rất thật trong con người anh. Giả bộ ư? Một sự thật đã quá rõ ràng mà ai cũng thừa biết cái hôm đó anh đã dầm mưa suốt ngày để cứu một xe cây con, xe bị chết máy ở suối cạn, đang có nguy cơ bị lũ cuốn. Anh đã cùng cánh đàn ông tả xung hữu đột giúp mấy chị em tổ vườn ươm bốc xong mấy ngàn cây thông bầu trước khi nước suối ngập vào xe. Anh và mấy cô gái bốc vác của vườn ươm cũng suýt nữa bị trôi theo dòng nước. Sau cái hôm đó anh bị đột quỵ vì cảm lạnh và kiệt sức. Y sỹ trạm xá đã có giấy cứng nhận số ngày nghỉ đó cho anh rồi. Vậy hà cớ gì hai người trên lại tự ý cắt công ốm và không làm lương cho anh? Sự đời thật oái oăm vậy ư? Có những kẻ ghen ăn, tức ở muốn cản ngăn, thóa mạ công sức của anh, bước tiến của anh. Không chịu được điều ngang trái đó, Ba Sào tức tốc đến nhà đội trưởng. Đội trưởng nói: Do ông Tứ cầm giấy tờ để thẩm vấn lại trạm xá rồi xem xét, giải quyết sau.?! Chẳng nói chẳng rằng Ba Sào huỳnh huỵch đi đến nhà ông Tứ như một cơn lốc. Cả nhà đang ăn cơm tối. Ông Tứ nói đùa: Hôm nay động rừng hay sao mà Ba Sào đến nhà tôi chơi? Chẳng cần vòng vo, Ba Sào đường đột hỏi: - tôi đến hỏi ông một việc tại sao ông lại cắt công ốm của tôi? Ông không làm lương tháng cho tôi thì tôi sống bằng gì? Bằng cái giọng miền Trung ông Tứ tiếp: Anh đợi tôi chút xíu, ăn cơm xong ta nói chuyện...

- Không chuyện trò gì hết! Ông là thằng đểu. Bí thư bí từ gì ông, ông là loại người nhàn cư vi bất thiện. Loại như ông thì... Ba Sào văng tục. Và cùng lúc Ba Sào đến xốc nách ông Tứ dơ lên cao rồi dộng xuống đất ba cái như kiểu người ta cắm cọc rào. Một động tác nhanh đến nỗi phía bên kia không kịp nhận ra để đối phó. Mâm bát tóe tung, loảng xoảng. Vợ con ông Tứ la hét thất thanh, hoảng hốt kêu cứu. Còn ông Tứ thì ói cả cơm nước ra, mắt trợn ngược rồi ngất xửu. Ba Sào bỏ đi về nhanh như con sóc.

Đó là cái cới để Ba Sào gây họa. Thực ra sự việc ấy không đủ để làm Ba Sào tức giận đến quá mức như vậy, mà cái chính là Liên đã nhiều lần nói với anh về việc chuyện bị ông Tứ bỡn cợt, có ý lợi dụng, sàm sỡ với Liên rất nhiều lần. Ba Sào đã kìm nén, nín nhịn nhiều rồi, đến bây giờ mới tức nước vỡ bờ...

Sau cái vụ động trời đó, Ba Sào bị hội đồng kỷ luật của lâm trường đình chỉ công việc để làm kiểm điểm và chờ cơ quan pháp luật xem xét. Nghe nói ông Tứ bị bể thận, vẹo cả xương sườn... Sống dặt dẹo mấy năm rồi mất. Vợ con ông kiện tụng. May có anh cả làm trên tỉnh hòa giải ở gia đình nên Ba Sào thoát tù ngồi, được hưởng án treo nhưng bị buộc thôi việc.

Thế rồi Ba Sào không thể đi đâu xa. Bởi Liên và đứa con trong bụng Liên đang là sợi dây buộc ràng, níu kéo giữ cuộc đời anh ở lại. Họ đã thành vợ, thành chồng và có một tổ ấm gia đình trên mảnh đất ngút ngàn màu xanh của rừng thông trùng điệp này.

Ba Sào được phép đi làm công thay cho vợ. Qua nhiều tháng năm cũng có nhiều người mến yêu vợ chồng anh, nhưng cũng không ít kẻ ghen ghét, đố kị vì tháng nào Liên cũng được lĩnh lương cao nhất tổ. Rồi Liên bảo với anh làm một cái nhà cho ra hồn để ở. Ba Sào cặm cụi ngày đêm đóng gạch, vào rừng lấy gỗ làm đòn tay, rui mè, khung cánh cửa,... Và một ngôi nhà khang trang có bàn, ghế, giường, tủ,... bằng chính công sức của mình tạo dựng nên; vợ chồng anh cảm thấy hạnh phúc... Nhưng chính cái đó đã khiến nhiều kẻ ghen ăn, tức ở chẳng chịu để vợ chồng anh yên.

Do có tin báo một ngày kia cán bộ kiểm lâm đến điều tra về hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Ba Sào chống nạnh gồng lên thách thức. May mà Liên đã kịp thời báo cho người anh cả biết chuyện và đã đến làm việc với lâm trường hợp thức hóa số gỗ làm nhà và đóng đồ nên mọi việc êm xuôi.

Tuy vậy, ba gian nhà Ba Sào còn thiếu ngói, phải lợp tạm bằng cỏ gianh. Ba Sào tìm đến chú em, tên là Thảo để nhờ trợ giúp. Rủi thay "phận nghèo đi đến đất mô cũng nghèo". Chú em hoàn cảnh cũng không kém gì ông anh. Vừa mới đi lính về, xin được việc ở sở xây dựng làm chưa đủ ăn thì lấy gì giúp anh!? Lại đến ông anh cả tuy tiếng là cán bộ cấp tỉnh, nhưng nhà năm miệng ăn, lương ba cọc ba đồng, làm gì có dư giật mà trợ giúp em. Ba Sào đành gạt lệ ra về. Anh đến lò ngói xem xét rồi tính kế xin làm công đổi ngói. Bỗng anh gặp được một tay có độ tuổi trung niên ra vẻ biết xem tướng số. Hắn cầm tay anh ngắm nghía rồi bảo:

- Đại ca năm nay chưa có cơ hội lợp nhà bằng ngói được. Cái vận may nó hiện ra ở tay đây này. Sắp tới anh sẽ gặt hái được của. Ba Sào hồ nghi, hắn nói tiếp: Anh đi một chuyến với bọn em rồi tha hồ mà ngói, mà gạch....

Ba Sào tò mò:

- Đi đâu?

- Đi buôn trầm. Em có một mối lớn ở Đà Nẵng, Sài Gòn. Đã dính là thắng đậm lắm.

- Nhưng tôi chỉ có hai bàn tay trắng như thế này thì làm được gì? Ba Sào phân vân.

- Đại ca không lo. Chỉ cần anh góp nửa vốn, còn bọn em gom hàng, anh đi hay không cũng được. Tiêu xong lời lãi bẻ đôi. Em lo tất cho anh...

Vào thời điểm đó ở xứ này đang rộ lên khắp nơi tìm trầm, mua bán trầm một vốn bốn lời. Ba Sào cũng nghe được mang máng. Cái con người thật thà dễ tin ấy đã vương vào tơ nhện của bọn lừa đảo. Ba Sào trở về lẳng lặng giấu vợ giấu con đi gom vốn.

Một buổi chiều mùa thu khi cánh rừng thông đã nhuộm tím màu hoàng hôn, Ba Sào đi đến nhà Khanh - một cô gái xấp xỉ tứ tuần, chưa chồng, đang khao khát muốn được làm mẹ, làm vợ. Khanh đón Ba Sào bằng một bát rượu đầu mới nấu còn nóng. Được lời như cởi tấm lòng, Khanh nói: Em không có nhiều, nhưng em sẽ vay thêm các bạn cho anh. Khanh lại rót cho Ba Sào bát rượu nữa. Men đã ngấm vào lục phủ ngũ tạng, người nhũn ra, mắt ríu lại. Ba Sào buồn ngủ. Khanh dìu anh lên giường, phủ nhẹ vỏ chăn mỏng lên người anh...

Cái đêm ấy, cái đêm định mệnh cho sự đổi đời con gái của Khanh đã được toại nguyện.

Vào khoảng canh ba Ba Sào tỉnh hẳn, anh nói lời xin lỗi và đòi ra về. Nhưng Khanh ôm rất chặt lấy anh, với những lời ngọt ngào:

- Anh chẳng có lỗi gì cả. Em cảm ơn anh đã cho em cơ hội này. Em khao khát được làm mẹ. Anh cho em một đứa con. Em đã thầm yêu anh từ lâu rồi...

Mấy ngày sau đó, Khanh đã vay cho anh được hai mươi triệu. Và tất nhiên dẫu biết có tội với Liên, nhưng Ba Sào đã lui tới nhiều lần để đền ơn Khanh...

Ba Sào đến lò ngói giao tiền cho Đoàn Tăng - cái tay xem tướng số ấy đã sập được bẫy. Hắn hồ hởi đón Ba Sào một cách trọng thị khi đã cầm chắc tiền trong tay. Một bữa nhậu túy lúy, rồi hắn hứa hẹn ngọt như mía lùi: Cuối tháng mười này anh xuống lấy ngói về mà lợp nhà, em đã xin xếp cho anh rồi...

Một tháng trôi qua, rồi hai tháng trôi qua... Ba Sào lặn lòi ngoi ngóp đi lại nhiều lần, ruột gan anh như lửa đốt. Khi hỏi ra mới biết Đoàn Tăng đi Đà Nẵng, Sài Gòn chưa về. Mất công bỏ việc, vợ con lại ốm yếu làm Ba Sào mất ăn mất ngủ.

Gần trọn nửa năm các chủ nợ đã đến gõ cửa Ba Sào. Sự việc vỡ lở, anh nói như mếu:

- Tôi chẳng muốn lừa dối ai cả. Nhưng tại tôi dại, tin người thì tôi phải chịu. Thôi có cái gì trong nhà đáng giá thì các vị cứ lấy đi. Nửa khối gỗ lim và lát hoa, gường tủ, bàn ghế đó mang hết cả đi. Còn thiếu bao nhiêu tôi sẽ trả sau. Liên không dám nói gì, chỉ biết nhìn xa xót mà sụt sùi khóc thầm. Chị biết tính chồng rồi nên không dám kêu ca oán thoán, dù chỉ là nửa lời.

Khi mà sự bức xúc và chờ mong đã lên tới đỉnh điểm thì Ba Sào được tin Đoàn Tăng trở về. Lòng vui như mở cờ, Ba Sào vội vàng đến gặp Đoàn Tăng:

- Thế nào xem mà giải quyết vốn cho tôi để tôi trả nợ. Tôi đang sống dở, chết dở đây này. Không hề biểu cảm sắc mặt, Đoàn Tăng nói ráo hoảnh:

- Hàng vào đến Đà Nẵng thì bị Công an và Thuế vụ bắt. Trắng tay rồi anh ạ! Anh em mình rủi quá. Hắn lạnh lùng nhìn Ba Sào. Ba Sào gầm lên:

- Trời! Rứa là mày giết tao rồi. Tao không biết, mặc kệ bây giờ mày phải trả vốn cho tao để tao trả nợ.

Đoàn Tăng nhếch mép cười:

- Anh nói hay. Đã bảo góp chung vốn, lời ăn, lỗ chịu. Giờ ông anh lại bắt tôi trả vốn. May mà tôi thoát nạn về đây, thế tôi bị tóm thì giờ ông đòi ai? Ba Sào nghiến răng kèn kẹt: Mày nói gì? - Đôi lông mày nhíu lại: Mày định quỵt tao à? Mày có động thổ tao cũng đào được mày lên.

Mắt Ba Sào ánh lên tia lửa căm giận đau khổ. Cái cằm bạnh ra giật giật, đôi tay gồng lên nắm chặt. Đoàn Tăng không hề biết đối thủ của mình nên vẫn gương gương tự đắc cười nhạt rồi nói giọng chợ búa, thách thức: - Thì ông vào Đà Nẵng mà đào bới.

Tức thì Ba Sào sấn lại, hai bàn tay hộ pháp đã chặn lấy cổ Đoàn Tăng. Một động tác quật ngã mau lẹ và mạnh mẽ nghe đánh hực một cái thật gọn gàng. Đoàn Tăng đã nằm ngửa dưới đất. Đầu gối Ba Sào ấn vào ngực hắn. Rồi những cú đấm liên hồi kỳ trận giáng xuống đầu, mặt và mạng sườn của tên lừa đảo. Khi mọi người chạy lại thì người Đoàn Tăng đã nhũn như con chi chi. Hình như hắn không còn thở được nữa! Nhưng để vớt vát người ta cũng mang hắn đến bệnh viện cấp cứu.

Chiều hôm đó Ba Sào bị bắt. Sáu tháng sau một phiên tòa cấp tỉnh được mở để xét xử Ba Sào với tội danh "cố ý đánh người gây tử vong" với hình phạt tù chung thân.

Lại một tiếng sét nữa giáng xuống đầu anh; đập vỡ tan tành bao nhiêu hy vọng; bao khát khao mong ước của một tổ ấm tình yêu mà anh đang cố gồng mình lên để tạo dựng, xây đắp. Thế là hết, hết tất cả! Cố ý giết người ư? Nào đâu anh có chủ định mà chỉ do quá uất ức không kìm chế nổi mình. Trước một sự dại khờ của một tấm lòng chân thật dễ tin, dễ yêu rồi bị sự dối trá manh tâm chớ trêu lừa đảo đã đổ tội lỗi lên đầu anh. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì anh cũng đã sa vào vòng khổ lụy: "Giết người phải đền tội". Hưởng án chung thân cũng là may lắm rồi. Ba Sào câm lặng nuốt đắng cay vào lòng nghe anh trai mình lý giải, an ủi...

Giờ đây anh chỉ biết ngậm ngùi thương con và Liên. Và cả Khanh nữa. Nghe Khanh cho biết nàng cũng sắp được làm mẹ. Ôi! những người đàn bà chân yếu tay mềm đã vì anh mà chịu thiệt thòi khổ sở. Anh miên man suy nghĩ... Rồi đây thời gian sẽ dài dằng dặc: "một ngày tù nghìn thu ở ngoài" Ba Sào biết vậy mà đành chấp nhận cuộc đời đắng cay và số phận hẩm hiu của mình.

***

Hai mươi lăm năm trôi qua. Qua ba lần có công giảm tội, Ba Sào được ân xá. Đó là vào một ngày rừng thông đã nhuộm màu quan san. Khi anh trở về thì Liên người vợ hiền không còn nữa. Nàng đã sống cô đơn chung thủy chờ chồng, nhưng vì quá sầu muộn và bệnh nặng hơn người nên nàng đã ra đi trong một đêm mưa rừng rào rạt. Cơn hen ác tính đã cướp mất nàng. Nghe nói nàng cũng đã thu xếp trả gần hết nợ nần cho chồng. Còn thằng con được chú em đem về nuôi ăn học trở thành cán bộ kỹ thuật xây dựng. Rủi thay trong một lần đi kiểm tra công trình bị ngã giàn giáo rơi từ trên cao xuống, nên chẳng thể cứu được! Riêng Khanh vẫn không cùng ai. Kể từ cái đêm Ba Sào nồng nàn hơi rượu và những lần sau đó đã cho nàng một đứa con. Thằng Phong đã học xong đại học và được cậu em xin vào lực lượng kiểm lâm. Là người có năng lực nên Phong được đề bạt lên lãnh đạo hạt kiểm lâm.

Ba Sào trở về lòng hoang hoải buồn đau. Ân hận, day dứt vì mình mà người vợ hiền đã chết trong sầu muộn cô đơn. Mới bước vào tuổi sáu mươi mà trông ông như một cụ già. Lưng còng, má hóp, tóc bạc trắng... Giữa lúc bơ vơ đó thì Khanh đã cời than giữ lửa nhóm nhen lên bếp lửa tình yêu. Khanh an ủi ông và họ đã về ở với nhau, ghép lại mảnh đời từ hai nửa chơi vơi. Khanh có lương hưu hơn triệu. Còn Ba Sào thì hai bàn tay trắng. Ông bắt đầu trở lại nghề xưa: gieo tạo cây giống thông, keo, bạch đàn... Ông nói: làm để khuây khỏa tuổi già. Cho đỡ nhớ những năm tháng tuổi trẻ đã từng háo hức mơ ước những cánh rừng xanh mướt... Cái ngày ấy! ừ giá mà ngày ấy ông đừng phạm lỗi lầm với ông Tứ, với Đoàn Tăng thì cuộc đời ông có lẽ đã không có những lối rẽ ngoằn ngoèo như thế...! Nhiều lúc ông nghĩ như vậy. Nhưng rồi ông lại tự vấn an mình rằng trăm đường không tránh khỏi số... Sự đời tưởng đã xếp ngăn chồng đống thì một tai họa nữa lại giáng xuống đầu vợ chồng Ba Sào. ấy là con trai của ông và Khanh bị bọn lâm tặc mua chuộc không được bèn bày kế diệu hổ ly sơn, vu cáo rồi gây họa. Vào một chiều mùa hạ, tại phố thị chúng tổ chức một bữa tiệc gọi là chủ rừng làm quen với các nhà quản lý. Trong đó có Phong và một số cán bộ lâm trường. Tên đầu nậu (Tặng) nói với Phong: Hồ sơ thiết kế khai thác tiểu khu 65 đã được sở phê duyệt và lâm trường cũng đã nhất trí... Anh tạo điều kiện cho chúng tôi được khai thác. Rồi hắn lôi từ cặp ra một phong bì dày cộp soi lên trước mặt mọi người và đặt vào tay Phong với một động tác bề trên kẻ cả. Phong từ chối, khu rừng này anh thuộc như lòng bàn tay, anh nói: Khu đấy là rừng đầu nguồn, nếu khai thác sẽ phá vỡ môi trường, còn đâu nguồn nước để người dân phố thị sinh sống, tôi sẽ có ý kiến với cấp trên. Lời qua tiếng lại chẳng bên nào chịu nghe bên nào. Mấy cán bộ lâm trường ngầm rút lui. Tặng đập bàn dọa: Anh chống lại tỉnh, lại sở à? Anh là cái gì mà ghê gớm thế... Tặng nháy mắt cho bọn đàn em áp sát rồi đánh Phong tơi tả. Chúng đưa Phong về phía nhà Tặng rồi vu cho Phong là vào nhà tống tiền mới cho khai thác rừng. "Vì cái tội đòi ăn đó mà tôi cho anh em dạy cho Phong một bài học" Tặng nói trơn chu như nước chảy trước các đồng chí công an thị trấn. Phong được đem đi cấp cứu... bệnh viện xác định tổn thương 15%.

Vụ việc đánh người gây thương tích lẽ ra được phanh phui ra ánh sáng; nhưng đáng buồn thay lại bị dìm rơi vào im lặng! Tệ hơn có một số nhà chức trách không rõ việc đã cho rằng Phong có hiện tượng tiêu cực đó. Kết cục Phong bị điều chuyển đến địa phương khác. Thế mới biết sự lũng đoạn của Đoàn Tặng thật ghê gớm! Hóa ra Tặng chính là con trai của Đoàn Tăng! Cái con người đã lừa Ba Sào hai mươi mấy năm về trước. Sự đời lại có những trùng lặp kỳ cục đến như vậy đó. Ba Sào khuyên con: Thôi con ạ, một điều nhịn là chín điều lành. Đành phải thua chúng nó thôi. Con đừng hậm hực ấm ức làm gì. Kiện cáo làm rõ không khéo lại chuốc thêm tội. Cha đã mất gần hết cuộc đời tù tội rồi. Bây giờ nghĩ lại ân hận thì đã quá muộn. Con hãy kìm giữ mình, lựa đời mà sống. Phong đã nghe mẹ nói nhiều về cha mình từ ngày còn bé. Vì thương bố mẹ, nên biết là còn nhiều khuất tất, oan trái nên Phong đành im lặng. Sau này lãnh đạo kiểm lâm tỉnh được thay thế, những vụ phá rừng được phanh phui Đoàn Tặng và bọn tay chân bị lôi ra ánh sáng và bị xét xử nghiêm minh... Gần 100 năm tù cho "tập đoàn phá rừng" do Đoàn Tặng cầm đầu là cái giá phải trả cho những gì chúng đã gây ra.

Vợ chồng Ba Sào nghe được tin đó mà mừng cho con mình được minh oan... Dẫu rằng có muộn mằn, nhưng đối với họ cũng là một niềm vui lớn, một niềm tin về cuộc đời này còn có cái đạo lý: Chân lý không phải bất cứ lúc nào cũng thuộc về số đông.

Họ cười sung sướng, nhưng sao lại chảy hai dòng nước mắt?!

HOÀNG GIA CƯ


Số lượt đọc:  189  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 09:24:04 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH