Số 1+2

Bảo vệ và phát triển rừng ở Tam Đường, Lai Châu

Tam Đường là huyện cửa ngõ phía đông bắc tỉnh Lai Châu, có diện tích đất lâm nghiệp hơn 55 nghìn hécta (chiếm 80% diện tích toàn huyện), trong đó đất có rừng hơn 26 nghìn hécta. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường, gắn liền với đời sống nhân dân trong huyện. Tam Đường là huyện có địa bàn rộng, địa hình đa dạng, độ dốc lớn, bị chia cắt nhiều nên giao thông rất khó khăn. Toàn huyện có 14 xã, thị trấn 145 bản, 8.069 hộ, 43.810 nhân khẩu, có 12 dân tộc anh em sinh sống, kết cấu hạ tầng đang được từng bước đầu tư, trình độ dân trí còn ở mức thấp.

Thực trạng.

Công tác quản lý bảo vệ rừng của huyện gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường. Mùa khô nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí thấp gió thổi mạnh rừng bị khô kiệt và rất dễ cháy, đây lại là mùa làm rẫy của nhân dân nên nguy cơ cháy rừng càng lớn. Đặc điểm trên có ảnh hưởng rất lớn và sâu sắc đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Do nhu cầu dân sinh nên một bộ phận nhân dân còn vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng làm cho rừng ngày càng suy giảm về diện tích và chất lượng. Mất rừng hệ lụy là sạt lở đất, lũ quét vào mùa mưa, hạn hán, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, làm cho đời sống người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, giữ cho được diện tích rừng hiện có, đẩy nhanh diễn thế, tái sinh phục hồi và tích cực trồng rừng mới đang là nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề và cấp bách đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường.

Công tác quản lý bảo vệ rừng của huyện Tam Đường đã đạt được kết quả tích cực, nhiều chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước đã được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát lâm sản thường xuyên được triển khai. Tính từ năm 2006 đến tháng 6/2008 trên địa bàn huyện đã phát hiện 80 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng các loại. Tịch thu hơn 50m3 gỗ các loại, 2 ô tô, 2 xe máy. Lập hồ sơ truy tố trước pháp luật 5 đối tượng (đã thành án), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 265 triệu đồng. Kiểm tra lâm sản phục vụ lưu thông: gỗ vào tỉnh 3.154m3; gỗ ra ngoài tỉnh 668m3, 730 tấn lâm sản khác. Trong thời gian qua, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng thu được kết quả khả quan, toàn huyện đã cấp được hơn 21.671ha cho gần 5 nghìn hộ gia đình sử dụng ổn định vào mục đích lâm nghiệp. Thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu hécta rừng, từ năm 2004 đến hết năm 2007 toàn huyện đã khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 8.493ha, khoán bảo vệ rừng 7.856ha, trồng mới 1.301ha, chăm sóc rừng trồng 1.739ha, độ che phủ của rừng hàng năm đều tăng, đạt 39,12% năm 2007. Các kết quả trên đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản.

Việc bảo vệ và phát triển rừng tuy đã đạt được một số kết quả, song chưa thật bền vững. Công tác khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng, trồng rừng mới trong các chương trình, dự án thời gian qua còn dàn trải, phân tán, chưa tạo ra diện tích rừng tập trung lớn, có chất lượng cao. Độ che phủ rừng tăng lên nhưng chất lượng rừng thấp, các loài cây quý hiếm, động vật rừng hoang dã ngày càng cạn kiệt. Việc chuyển giao kỹ thuật, giống mới, áp dụng phương pháp canh tác bền vững trên đất dốc chưa được quan tâm đầu tư, ứng dụng. Tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép còn xảy ra, việc kiểm soát còn nhiều sơ hở. Hiệu quả chữa cháy rừng chưa cao, lãng phí nhiều công sức, chỉ huy chữa cháy rừng gặp nhiều lúng túng, chế độ trực cháy chưa đầy đủ, vắng người khi xảy ra cháy, thông tin về cháy rừng chưa kịp thời, ý thức phòng cháy, chữa cháy của một bộ phận nhân dân chưa cao. Cháy rừng vẫn còn xảy ra, việc chữa cháy hạn chế. Quá trình điều tra, xử lý các vụ vi phạm gây cháy rừng gặp nhiều khó khăn, lúng túng, chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền chưa sâu sắc, thường xuyên và rộng rãi, chưa thực sự nâng cao nhận thức cho người dân. Lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách ngành lâm nghiệp còn mỏng, năng lực chuyên môn hạn chế, tổ chức và hoạt động của Ban quản lý rừng phòng hộ chưa tương xứng với đòi hỏi của nhiệm vụ phát triển rừng tại địa phương. Công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng tại chỗ hạn chế và sơ hở, chưa thường xuyên nên việc phát hiện hành vi vi phạm chưa kịp thời. Một số cấp ủy, chính quyền... chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các phong trào quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đất lâm nghiệp là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc, thế nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức trong việc bảo vệ rừng, sản xuất nương rẫy gây cháy lan vào rừng.

Giải pháp.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, huyện Tam Đường đã chủ trương tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số giải pháp. Đó là tổ chức quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng và trồng rừng mới, phấn đấu nâng độ che phủ của rừng đến năm 2010 đạt 45%. Ngăn chặn triệt để việc đốt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, hướng dẫn nhân dân các thôn bản tích cực thực hiện quy ước bảo vệ rừng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Tiếp tục rà soát công tác giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp về quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Xây dựng lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách đủ sức tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Thực hiện tốt chỉ tiêu, kế hoạch được giao hàng năm theo các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng như: khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng mới, khoán bảo vệ rừng. Hướng phấn đấu đến năm 2010: khoán khoanh nuôi tái sinh 13,5 nghìn hécta, khoán khoanh nuôi có trồng bổ sung 450ha, khoán bảo vệ rừng 9.775ha, trồng rừng phòng hộ 1.100ha. Việc quản lý quy hoạch 3 loại rừng cần tiếp tục triển khai xuống cấp xã. Thực hiện hiệu quả dự án bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn Nậm So, đảm bảo nguồn nước cho thị xã Lai Châu vùng lâm phận xã Tà Lèng và Hồ Thầu.

Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phải xác định bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng là trách nhiệm của toàn xã hội. Chú trọng vai trò quản lý trực tiếp của chính quyền các cấp, quan trọng nhất là cấp xã, trưởng các thôn bản và đây là cấp sát dân, gần dân nhất.

Đảm bảo sự bình đẳng giữa mọi người và mọi tầng lớp xã hội đối với cơ hội được tham gia giải quyết các vấn đề về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, trong việc tiếp nhận thông tin, quyền được hưởng lợi từ việc quản lý bảo vệ rừng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động của các cấp, các ngành, đoàn thể, từng bước làm chuyển đổi nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với trình độ của người dân. Có sự phối hợp hình thành phong trào tuyên truyền sâu rộng trong các tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội, mỗi người dân vừa là đối tượng tuyên truyền vừa là người tuyên truyền. Vận động nhân dân bỏ dần loại hình canh tác nương rẫy quảng canh, chuyển sang trồng các loại cây kinh tế, trồng rừng khoanh nuôi tái sinh rừng, chuyển mạnh các diện tích nương rẫy sang trồng rừng. Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo quyền hưởng lợi của chủ rừng. Tiếp tục thực hiện chủ trương giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cá nhân, hội gia đình sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp để rừng thực sự có chủ, kết hợp mở rộng mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, người dân thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ trên mảnh đất được giao, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia bảo vệ, phát triển rừng, thực hiện các chính sách về hỗ trợ cho vay vốn, hỗ trợ lãi xuất vốn vay, phát huy nguồn lực tại chỗ về lao động đất đai. Cần cơ chế chính sách có sức hấp dẫn, khuyến khích những người nhận rừng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nhận rừng, lợi ích của cộng đồng dân cư trong vùng trong việc bảo vệ rừng.

ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp xã hội, tăng cường công tác khuyến lâm, bố trí cán bộ lâm nghiệp chuyên trách và bán chuyên trách, được đào tạo nghiệp vụ, tập huấn về chuyên môn, làm tốt công tác tham mưu cho các cấp chính quyền về công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng gắn với các tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

Tăng cường sự phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát, tuần tra rừng, truy quét các hành vi xâm phạm đến rừng giữa các lực lượng chức năng và các ban ngành địa phương và UBND cấp xã, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

Kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng chi tiết, cụ thể với quản lý bảo vệ rừng theo phương pháp tiếp cận từ cộng đồng, thực hiện xóa đói, giảm nghèo tạo cơ hội phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp cộng đồng tăng thu nhập, qua đó giảm sức ép lên tài nguyên rừng. Rút ra bài học kinh nghiệm tiếp tục chủ trương xã hội hóa công tác lâm nghiệp góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu và Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tam Đường về bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2010.

HOÀNG QUỐC HÙNG
Số lượt đọc:  1160  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:49:35 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH