Số 1+2

Bảo vệ rừng gắn với du lịch sinh thái ở Ninh Bình

Tháng 7/2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng duyên hải Bắc Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Đánh giá về tiềm năng du lịch vùng quy hoạch ghi rõ: Vùng duyên hải Bắc Bộ có tiềm năng du lịch rất lớn, đặc biệt tập trung các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình. Đây là vùng có cảnh quan thiên nhiên, các vùng sinh thái biển đảo, ven biển, di tích văn hóa, lịch sử... Trong vùng có các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia với nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử. Là khu vực tập trung nhiều di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có nhiều di tích đã được xếp hạng. Khu du lịch Tràng An, Cố đô Hoa Lư của Ninh Bình được lựa chọn để đầu tư xây dựng thành một trong bốn trung tâm du lịch cấp quốc tế (Hạ Long, Hải Phòng, Trà Cổ). Về tổ chức không gian du lịch vùng duyên hải Bắc Bộ bao gồm các trung tâm du lịch: Thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình là nơi hội tụ các di tích văn hóa, lịch sử, lễ hội truyền thống. Vùng du lịch sinh thái hang động Tràng An, rừng quốc gia Cúc Phương, suối nước nóng Canh Gà, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Như vậy, định hướng phát triển du lịch trong đó có du lịch Ninh Bình là một trong những nội dung quan trọng của quy hoạch xây dựng vùng du lịch duyên hải Bắc Bộ. Ninh Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch cấp quốc tế. Vì thế, Tỉnh ủy Ninh Bình đã có nghị quyết về du lịch, với định hướng: Trên cơ sở chương trình hành động quốc gia về du lịch, phải xây dựng chương trình hành động cụ thể đối với phát triển kinh tế du lịch tỉnh. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2010 gồm 7 khu du lịch chính: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động và cố đô Hoa Lư; khu du lịch trung tâm thị xã Ninh Bình với Dục Thúy Sơn, Ngọc Mỹ Nhân và hồ Kỳ Lân; khu du lịch Vườn quốc gia Cúc Phương, Kỳ Phú, hồ Đồng Chương, khu du lịch suối nước nóng Kênh Gà - động Vân Trình, Vân Long, chùa Địch Lộng; khu du lịch phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn; khu du lịch hồ Yên Đồng, Yên Thắng, động Mã Tiên, cửa Thần Phù; khu du lịch quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm và vùng ven biển Kim Sơn. Mục tiêu là tập trung xây dựng, ban hành chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư, tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ.

Luật du lịch năm 2005 chỉ rõ tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên; du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa bản địa. Tài nguyên và sản phẩm du lịch sinh thái trước hết là thiên nhiên, từ thiên nhiên. Ngược lại, các hoạt động của du lịch sinh thái hướng tới nâng tầm nhận thức của con người sống thân thiện với thiên nhiên; khám phá, hưởng thụ và đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững. Vì vậy, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng gắn với du lịch, nhất là du lịch sinh thái là xu thế tất yếu của quá trình phát triển bền vững. Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, mối quan hệ đó được thể hiện rất cụ thể bằng việc quy hoạch du lịch, các đề án, dự án về du lịch, các hoạt động du lịch gắn bó chặt chẽ với các chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Nhận thức được hoạt động du lịch sinh thái phải là công cụ để bảo tồn nên việc xây dựng các mô hình khai thác du lịch gắn với bảo vệ rừng được quan tâm, ngày càng phổ biến. Mô hình bảo tồn gắn với du lịch ở Vườn quốc gia Cúc Phương, ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu du lịch Tràng An là những điển hình. Ngược lại, trong quy hoạch dự án về bảo vệ, phát triển rừng tại các khu rừng đặc dụng, phải có chương trình phát triển du lịch. Khu du lịch Tràng An được xây dựng trong lòng khu rừng văn hóa, lịch sử, môi trường Hoa Lư, diện tích trên 2.100ha; trong đó đất rừng núi, đất ngập nước gần 1.250ha. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long với diện tích trên 2.600ha; trong đó có hơn 500ha đất ngập nước, còn lại là rừng trên núi đá. Đây là địa bàn đang được triển khai các dự án du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh. Tam Cốc - Bích Động, Yên Đồng - Yên Thái và một số khu du lịch hang động khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều nằm trong rừng và gắn với các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Như vậy, phần lớn các khu du lịch trọng điểm của Ninh Bình đều nằm trong rừng, chủ yếu là rừng đặc dụng; trong đó hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đi tiên phong, tạo tiền đề cho du lịch, trước hết và chủ yếu là du lịch sinh thái. Một nhân tố khác góp phần vào thành công của mô hình bảo vệ rừng gắn với du lịch là có sự tham gia của cộng đồng địa phương. Nếu chỉ tuyên truyền bảo vệ rừng, chỉ có thu nhập từ tiền nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng thì sự tham gia bảo vệ rừng của người dân chưa thật hiệu quả. Phải thừa nhận rằng, thời gian gần đây, trong các khu rừng đặc dụng ở Ninh Bình có hoạt động du lịch, công tác bảo vệ rừng đã chuyển biến tích cực. Đơn cử như ở Vườn quốc gia Cúc Phương, du khách đến đây không chỉ để thưởng ngoạn, khám phá thiên nhiên, mà còn được hiểu biết thêm những giá trị của đa dạng sinh học, ý nghĩa của việc bảo vệ rừng và công sức của những người làm bảo tồn; họ trở thành những tuyên truyền viên cho bảo vệ rừng. Một bộ phận nhân dân sinh sống xung quanh Vườn đã tích cực tham gia vào hoạt động bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Các khu rừng đặc dụng khác do tỉnh quản lý, có hoạt động du lịch sinh thái như Tràng An, Vân Long, Tam Cốc - Bích Động, rừng đã được bảo vệ tốt, nay tình hình còn khá hơn. Bởi, người dân nơi đây trước kia là lực lượng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp phá rừng lấy gỗ củi, phá núi lấy đá nung vôi, săn bắn bẫy bắt động vật hoang dã. Bây giờ họ sống nhờ vào du lịch. Vì vậy, họ phải bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan để du lịch phát triển, mang lại thu nhập ngày càng cao hơn.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa bảo tồn, bảo vệ rừng với du lịch không phải đã xuôi chèo, mát mái. Không ít những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình triển khai các hoạt động này. Phần lớn nguyên nhân của sự không đồng thuận là do phát triển du lịch gây ra. Như các tuyến du lịch không phù hợp với quy định của bảo tồn. Vấn đề quản lý thống nhất trong cùng một khu vực mà ở đó hai hoạt động do hai chủ thể thực hiện. Vấn đề gây ô nhiễm môi trường nói chung ảnh hưởng đến sự tồn tại của cảnh quan thiên nhiên. Vấn đề phân phối lại nguồn thu từ du lịch chưa được công bằng. Các đơn vị làm du lịch đều biết, nếu không có rừng, không có cảnh quan thì không có hoạt động tham quan, không bán vé cảnh quan. Nhưng không ít nơi, chủ rừng lo bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và “đứng xem” du lịch thu tiền vé cảnh quan. Để khắc phục những bất cập trên, một số việc hiện đang được Ninh Bình chỉ đạo.

Một là: Triển khai mạnh mẽ, thực hiện nghiêm các quy định trong hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái. Cụ thể là quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, ban hành kèm theo Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN, ngày 27/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái tại vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên phải được lập thành đề án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường; liên kết, liên doanh làm du lịch. Mỗi vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoạt động du lịch sinh thái có trách nhiệm bố trí cán bộ chuyên trách, xây dựng và tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch sinh thái. Cán bộ được phân công làm công tác hướng dẫn viên, thuyết minh du lịch sinh thái phải có kiến thức về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, du lịch và văn hóa bản địa. Hướng dẫn viên du lịch phải có các tiêu chuẩn theo quy định.

Hai là: Phải có quy chế phối hợp bảo vệ rừng kết hợp du lịch giữa chủ rừng với các chủ thể làm du lịch trong khu rừng đặc dụng. Trong đó, một vấn đề hết sức quan trọng là chia sẻ trách nhiệm và hưởng lợi trong hoạt động du lịch. Hiện tại một số khu du lịch ở Ninh Bình, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các tổ chức kinh doanh du lịch xây dựng trạm truyền thông bảo vệ rừng. Đất, vốn để xây dựng trạm do doanh nghiệp hỗ trợ; kiểm lâm bố trí lực lượng phối hợp tuyên truyền và bảo vệ rừng, bước đầu có kết quả tốt.

Với tiềm năng sẵn có và nằm trong không gian du lịch trọng điểm của vùng duyên hải Bắc Bộ, có định hướng đúng, quyết tâm cao, một số mô hình bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đang vận hành tốt, chắc chắn bảo vệ rừng và phát triển du lịch sinh thái ở Ninh Bình từng bước tiến tới mô hình phát triển bền vững.

ĐẶNG XUÂN TÀI
Số lượt đọc:  2620  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:59:42 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH