Số 1+2

Bảo tồn rừng nguyên sinh giữa lòng thành phố

Nằm trên cạnh phía đông bắc của tam giác đồng bằng bắc bộ, Vĩnh Yên là vùng đất bán sơn địa có nhiều hồ rộng, nên được coi là nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình. Được thiết lập làm tỉnh lỵ từ năm 1899, trải qua bao bước thăng trầm nhưng đến nay Vĩnh Yên vẫn bảo tồn được một khu rừng rộng vài chục hécta ở ngay giữa lòng thành phố. Trong khu rừng đó không chỉ có những cây lim xanh cổ thụ mà còn có hàng trăm loài cây đại diện cho rừng nhiệt đới và á nhiệt đới như chò nâu, bồ đề, long não, xà cừ, thông mã vĩ... Mặc dù trong rừng có nhiều ngôi nhà cao tầng của các cơ quan làm việc nhưng vẫn còn giữ được nhiều tầng sinh thái với các loài thực vật quần tụ cộng sinh từ lau lách, dương xỉ, cây bụi, dây leo chằng chịt, tầm gửi, phong lan... Rừng nằm ngay trên bờ đầm Vạc, có dốc, đèo nhỏ được lát bê tông theo các lối mòn len lỏi ven gốc cây cổ thụ để cho du khách vào dạo chơi thả hồn theo tiếng chim hót trên cành cây cao. Ngay dưới chân dốc là mép nước vỗ ì oạp theo sóng lăn tăn lan rộng ra mặt hồ hòa trong tiếng gió rừng xào xạc xen lẫn tiếng ồn ào đô thị cùng tiếng xe máy từ bên kia đại lộ vọng sang. Thật hiếm có đô thị nào có được một khu rừng già sầm uất với độ cao vài chục mét và một hồ nước sâu rộng mênh mông ngay giữa trung tâm thành phố như vậy.

Mặc dù đang trong quá trình xây dựng và mở rộng như hiện nay nhưng ở Vĩnh Yên hầu như đường phố nào cũng có bóng cây xanh. Cách các khu nhà cao tầng chỉ vài cây số là dãy núi Trống, núi Đanh nối tiếp màu xanh ngút ngàn tới tận vùng Tam Đảo. Nhiều dãy phố ngay mép hồ như những ngôi nhà thủy tạ, lung linh thơ mộng tỏa sáng xuống tận đáy nước.

Tuy cách Hà Nội chừng 50 cây số theo đường chim bay nhưng nhờ có hồ rộng và rừng cây xanh điều hòa không khí nên nhiệt độ ở Vĩnh Yên luôn ấm và mát hơn ở Hà Nội từ 2 đến 3 độ trong cùng thời điểm. Người dân Vĩnh Yên mải làm ăn buôn bán nên ít bắt chim về nuôi làm cảnh và không có thói quen vác súng săn đi dạo phố nên ở trong rừng lim và các hàng cây có rất nhiều chim về làm tổ. Trên các gò nổi giữa hồ và ngọn cây cổ thụ, quanh năm đều có bóng cò, bóng vạc về chao liệng.

Mến cảnh mến người lại thêm yêu quý môi trường trong sạch nên ở Vĩnh Yên đã có rất nhiều nhà nghỉ dưỡng của các bộ, ngành. Các vị lão thành cách mạng đến nghỉ tại Nhà nghỉ Đầm Vạc đều rất hài lòng, chỉ sau vài ngày các cụ đã thấy mình khỏe thêm. Đầm Vạc mùa nước lên rộng tới 400ha với sức chứa gần 4 triệu mét khối, chỗ sâu nhất tới 4 mét. Đây là hồ nước lưu thông, nhận nước từ thượng nguồn Tam Đảo, qua sông Phan, mương Thủy và kênh thủy lợi Bến Tre đổ vào mang theo dưỡng chất nuôi sống các loài thủy sản rồi lại chảy ra sông Cánh xuôi xuống sông Cà Lồ nhập vào sông Cầu chảy về miền xuôi giao lưu cùng các con sông lớn. Vì vậy thủy hải sản ở Đầm Vạc rất phong phú và đa dạng.

Từ trên cao nhìn xuống Đầm Vạc giống như con kỳ nhông nhiều chân đang nằm nghiêng để ôm trọn vòng cung phía tây nam khu phố xá của Vĩnh Yên. Chu vi hồ gần 14km gồm 23 ngách chính len lỏi mặt nước vào tận chân tường các ngôi nhà cao tầng. Ngày nay, do nhu cầu xâu dựng, nhiều ngách hồ đã được ngăn ra thành những hồ nhỏ nhưng vẫn liên thông với nhau nhờ hệ thống cống ngầm giữ cho các hồ không bao giờ hết nước hoặc tù đọng làm ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường sinh thái. Nhiều khu đất ven hồ đang nổi nên các công viên nhà hàng khách sạn trong đó có Khách sạn Sông Hồng và sân gôn 18 lỗ ở phía nam Đầm Vạc với khu du lịch sinh thái, các khu nhà vườn quanh năm xanh tươi hoa lá.

Đầm Vạc không chỉ rộng mênh mông mặt nước trong xanh mà còn dồi dào với nguồn nước ngầm. Chỉ cần khoan sâu 75 mét xuống lòng hồ, dòng nước bơm lên có thể dùng ngay không cần xử lý, trữ lượng có thể khai thác hàng vạn mét khối mỗi ngày đủ cung cấp cho cả một thành phố trong tương lai kể cả mùa khô hạn. Các vùng đất trũng quanh hồ cũng đã được nông dân canh tác một vụ lúa một vụ cá tạo thêm cảnh quan du lịch hấp dẫn.

Những năm gần đây tốc độ phát triển đô thị ở Vĩnh Yên diễn ra khá nhanh nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng vốn có của đô thị vùng đất sơn thủy với các dãy phố ven đồi đất đỏ, ven bờ hồ và xen kẽ vào các vườn cây hoa trái, các vườn cau ruộng lúa với những kiến trúc và độ cao đa dạng nhưng vẫn phù hợp với địa hình và cảnh quan xung quanh. Đến nay vẫn còn giữ được những đoạn đường qua dốc, qua đèo mang nét độc đáo của Vĩnh Yên xưa. Mặc dù nhiều đường phố đã mang những cái tên mới lạ nhưng người Vĩnh Yên vẫn giữ vẹn nguyên trong tâm tưởng những cái tên cũ đầy ấn tượng như đường Rặng Thông, Cống Vuông, Dốc Mít, Cống Tỉnh, Cầu Oai, Dốc Láp, Xóm Dinh, Khu Lò Gạch, Lò Vôi, Đường T50, Đồi 411... để những người con xa xứ tìm về đỡ phải ngỡ ngàng. Người Vĩnh Yên đang bảo nhau nỗ lực hết mình để xây dựng và giữ gìn cho quê hương mình, thị xã mình, thành phố mình không chỉ xanh sạch đẹp mà là xanh bốn mùa, sạch quanh năm và đẹp toàn diện để mãi mãi xứng đáng với vùng đất sơn thủy hữu tình mà thiên nhiên ban tặng.

DƯƠNG VĂN LÃM
Số lượt đọc:  247  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:45:54 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH