Số 1+2

Bảo tồn cây dã hương một nguồn gen quý

Cây dã hương (Cinamomumglau cessens) là loài cây quý hiếm thuộc họ long não (Lauraceae) có trong rừng tự nhiên và được gây trồng phân tán ở các khu di tích, đình chùa, đền thờ miếu mạo do tác dụng về cảnh quan và tâm linh ở các vùng nông thôn đồng bằng, trung du một số tỉnh miền bắc Việt Nam.

Cây dã hương đã được ghi trong sách đỏ thế giới vì có giá trị rất cao về kinh tế, văn hóa, cảnh quan, môi trường. Đây là nguồn gen đặc biệt quý hiếm đang có nguy cơ bị hủy diệt. Trong rừng tự nhiên, cây dã hương bị săn lùng khai thác đến cùng kiệt, cây trồng phân tán tại các địa phương sau nhiều năm bị tác động của thiên nhiên và con người, lại không dược chăm sóc bảo vệ nên cũng đã bị đổ gãy, bị chết rất nhiều. Số cây còn lại rất ít và có thể coi là của hiếm, cần quan tâm bảo tồn và phát triển.

Trong dịp về công tác tại tỉnh Bắc Giang, được nghe giới thiệu về cây dã hương ngàn năm ở huyện Lạng Giang, chúng tôi đã hành trình đến tận nơi để chiêm ngưỡng và chứng kiến sự thật về cây dã hương ở đây. Cây dã hương này tọa lạc bên ngôi chùa cổ thuộc xã Tiến Lục, huyện Lạng Giang. Người dân địa phương không ai biết cây dã hương có từ bao giờ nhưng tất cả đều nói đây là cây ngàn năm theo dân gian truyền lại. Nếu ở làng Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định có cây dã hương tuổi đời trên 500 năm, sống xuyên 7 thế kỷ từ thời vua Lê Thánh Tông thì cây dã hương ở đây đã sống trên ngàn năm tuổi. Cây cao to, đường bệ, tán lá rộng có đường kính 38 mét, cành lá xum xuê, vòng thân chỗ lớn nhất đến 11,5 mét, phần thân chỗ nhỏ nhất cũng 3,8 mét.

Cách đây hơn 100 năm, Trường Viễn Đông Bắc Cổ thời thực dân Pháp ở Hà Nội đã xếp cây dã hương ở xã Tiến Lục, huyện Lạng Giang là cây cổ thụ quý hiếm ở Bắc Kỳ. Thế nhưng công tác chăm sóc, bảo vệ những năm trước đây không được chú ý, trách nhiệm của chính quyền địa phương không rõ ràng. Năm 1983, các em học sinh đến chơi đùa trong sân chùa đã đốt lửa sưởi ấm dưới gốc cây, do cây có tinh dầu dễ bốc cháy nên lửa bén cháy vào đến ruột cây suốt hai ngày hai đêm, công an tỉnh Hà Bắc (cũ) lúc đó phải huy động hai xe chữa cháy đến mới dập tắt được lửa và cứu cây thoát khỏi đại họa. Sau hơn 20 năm, đến nay cây đã hồi phục nhưng hậu quả rất lớn là thân cây ở phần gốc bị rỗng ruột, đe dọa đến sức sống và tồn tại của cây dã hương.

Người dân xã Tiến Lục coi cây dã hương là vật báu của quê hương mình, được tôn vinh như một vị thần, một đấng cứu sinh, cứu khổ, cứu nạn cho dân làng. Từ năm 1985, chính quyền xã Tiến Lục đã đầu tư kinh phí xây tường rào xung quanh, xây bệ đắp gốc bảo vệ cho cây và hàng ngày có người thường xuyên trông coi bảo vệ. Cây dã hương ngàn năm tuổi già cỗi nhưng vẫn hiên ngang tọa lạc bên cạnh ngôi chùa làng đang hàng ngày đón hàng trăm khách thập phương trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương. Vào những ngày rằm, ngày lễ, tết, người dân địa phương thường đến tận gốc cây dã hương với tấm lòng thành kính thắp nén hương thơm cầu nguyện cho cuộc sống an bình, thịnh vượng, quốc thái dân an. Ngày 21/1/1989, Bộ Văn hóa Thông tin đã quyết định xếp hạng cây dã hương cổ thụ xã Tiến Lục là di sản văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Do đã qua hàng nghìn năm chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt, tác động của thiên tai và những tác động tiêu cực của con người, cây dã hương cổ thụ ngàn năm tuổi ở đây đã bị rỗng ruột, độ rỗng rộng đến mức có thể chứa được tới 4 người đứng. Nguồn dinh dưỡng cho cây từ đất cũng ngày càng cạn kiệt. Trước nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của cây dã hương, chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Bắc Giang, nhất là UBND xã Tiến Lục cần có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ cây dã hương này. Các cơ quan khoa học cần nghiên cứu, đề ra giải pháp bảo tồn cây dã hương ở Tiến Lục nói riêng và các địa phương khác nói chung, nhằm bảo tồn loài cây quý hiếm này.

KHƯƠNG BÁ TUÂN
Số lượt đọc:  565  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:37:46 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH