Số 1+2

Anh Toản nuôi nhím giỏi

Người mà tôi nói đến trong bài viết này là anh Lưu Văn Toản ở bản Xa La, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Là lính biên phòng gắn bó với nghề 17 năm, năm 2005 anh phục viên về địa phương với bao nhiêu trăn trở. Thế rồi tình cờ một lần qua chương trình "cùng nhà nông bàn cách làm giàu" giới thiệu mô hình nuôi nhím của Trung tâm khoa học và sản xuất lâm nghiệp Tây Bắc khá hiệu quả và phù hợp với gia đình. Không quản đường xa anh lên đường lên Sơn La học nghề nuôi nhím. Có được nghề nhưng tại Sơn La thời điểm đó không có nhím giống, anh trở về và ngược lên Lạng Sơn mua được một đôi nhím giống. Sau gần hai năm áp dụng những kiến thức đã học được và chăm sóc đôi nhím anh đã thành công. Đôi nhím này cho ra đời lứa đầu tiên là hai chú nhím con. Trước những thành quả đạt được, anh mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm nhím giống. Từ chỗ chỉ có một đôi nhím giống đến nay anh đã phát triển thành sáu đôi nhím bố mẹ. Từ tháng 8/2007 đến nay, anh đã xuất bán được 12 đôi nhím con cho các hộ gia đình ở địa phương thu về 110 triệu đồng, đủ để trang trải cho kinh phí đầu tư ban đầu.

Theo anh Toản, nhím rất dễ nuôi ít bị bệnh, nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, chi phí thấp hiệu quả cao. Thức ăn của nhím thông thường là các loại củ, quả như ngô, sắn, khoai lang, cà chua, cà rốt,... Mỗi con nhím một tháng tiêu thụ khoảng 30kg thức ăn các loại. Nhím nuôi 1 năm thì được coi là nhím trưởng thành, khối lượng có thể đạt tới 12kg. Với giá thịt nhím thương phẩm khoảng 400.000 đồng/kg hiện nay thì mỗi con nhím trưởng thành cũng có giá khoảng 5 triệu đồng. Nếu gây nuôi thành nhím bố mẹ và trung bình mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 con thì lợi nhuận còn cao hơn. Hiện nay, nhu cầu mua nhím giống của thị trường rất lớn, hầu hết các gia đình thường xuất bán nhím giống chứ không bán nhím thương phẩm. Nuôi nhím thực sự là một nghề đem lại nhiều lợi nhuận trong thời điểm hiện nay. Chuồng nuôi nhím phải được làm sạch sẽ, nền láng bê tông dày 8cm đến 10cm, xây thành từng ô nhỏ, nghiêng khoảng 5 độ, xung quanh rào lưới B40, chuồng phải xây máng nước và máng đựng thức ăn, hàng ngày phải được vệ sinh sạch sẽ. Chuồng làm ở nơi yên tĩnh tránh tiếng ồn và tiếng động mạnh. Cần để khúc gỗ hoặc gốc cây cho nhím mài răng. Dự định của anh Toản, trong thời gian tới anh sẽ nâng tổng đàn thêm lên khoảng 15 đôi nhím giống bố mẹ nhằm khai thác hết diện tích chuồng trại hiện có.

Nhờ áp dụng kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi nhím của anh Toản đã thành công và phát huy hiệu quả kinh tế. Một số hộ dân trong xã đã làm theo, nhiều người trong và ngoài tỉnh cũng đã đến thăm mô hình nuôi nhím nhà anh Toản. Để nhân rộng thành công mô hình và có điều kiện học hỏi kinh nghiệm anh đã tham gia câu lạc bộ những người nuôi nhím tỉnh Bắc Giang. Với những thành quả mà anh Toản đã đạt được hy vọng mô hình sẽ được nhiều người học tập, góp phần làm giàu cho người dân ở những vùng quê nghèo khó.

TRẦN NGỌC SƠN
Số lượt đọc:  2142  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:38:39 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH