Số 1+2

5 năm hoạt động của ban lâm nghiệp xã ở Lâm Đồng

Lâm Đồng là địa phương sớm thực hiện việc bố trí kiểm lâm phụ trách địa bàn cấp xã. Năm 1999, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy định nhiệm vụ kiểm lâm địa bàn. Thực tế lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Lâm Đồng rất mỏng, hiện Kiểm lâm Lâm Đồng được giao biên chế từ 260-300 người (bằng 40-50% so với quy định). Tuy nhiên, dù lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có được tăng nhiều hơn nữa cũng khó hoàn thành nhiệm vụ nếu không dựa vào sức dân và chính quyền cấp cơ sở.

Quá trình thành lập ban lâm nghiệp xã.

Năm 1998, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình hoạt động của ban lâm nghiệp xã tại các huyện: Lâm Hà, Đức Trọng và thành phố Đà Lạt. Để có cơ sở hoạt động, UBND các huyện này đã ban hành quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của ban lâm nghiệp xã, phường, thị trấn. Sau thời gian thí điểm, tháng 9/2003 UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định về tổ chức và hoạt động của ban lâm nghiệp xã. Đây là tiền đề để xây dựng lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở, nòng cốt là ban lâm nghiệp xã. Những ngày đầu thành lập ban lâm nghiệp, các thành viên hầu hết kiêm nhiệm, chưa có kiến thức về lâm nghiệp nên gặp không ít khó khăn. Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã và phối hợp với Trường Chính trị, Sở Nội vụ tổ chức các lớp bồi dưỡng cho gần 200 cán bộ ban lâm nghiệp cấp xã. Mục đích trang bị những kiến thức cơ bản về rừng, PCCCR, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của UBND cấp xã; một số văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, quy trình nghiệp vụ về lập biên bản, hồ sơ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản. Nội dung bồi dưỡng do Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng soạn thảo và cử các cán bộ giàu kinh nghiệm truyền đạt.

Mô hình tổ chức, hoạt động, kinh phí của ban lâm nghiệp xã.

Thực trạng: Toàn tỉnh thành lập được 112 ban lâm nghiệp xã với 1.232 người, bình quân mỗi ban lâm nghiệp có 9-12 người. Về tổ chức: lãnh đạo UBND xã làm trưởng ban; phó ban là chủ rừng và trung đội trưởng trung đội dân quân cơ động; các thành viên gồm kiểm lâm địa bàn xã, cán bộ tiểu khu; các ngành, đoàn thể cấp xã.

Nhiệm vụ: Tuyên truyền cho cộng đồng dân cư về rừng, ý nghĩa việc bảo vệ rừng tích cực tham gia vào các hành động bảo vệ và phát triển rừng; hòa giải các tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp, xây dựng, thực hiện quy ước bảo vệ rừng, xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng tại thôn bản; phối hợp các lực lượng liên quan trên địa bàn tuần tra bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm đến tài nguyên rừng, PCCCR rừng, tham mưu chủ tịch UBND cấp xã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng thuộc thẩm quyền cấp xã

Kinh phí hoạt động: Trưởng ban được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm quy định là 10% lương áp dụng cho chức danh chủ tịch xã, theo mức lương hiện nay, số tiền phụ cấp khoảng 150.000 đồng/tháng. Phó ban kiêm nhiệm, trung đội trưởng trung đội dân quân cơ động bằng phụ cấp của xã đội phó thông qua hợp đồng trách nhiệm với Hạt Kiểm lâm, theo mức lương hiện nay, số tiền bình quân khoảng 460.000 đồng/tháng. Kinh phí phục vụ hoạt động của ban lâm nghiệp được UBND huyện quyết định theo thực tế ở từng xã, khoảng 800.000 đồng/tháng (phục vụ cho việc kiểm tra, nhiên liệu kiểm tra, bồi dưỡng trực cho các thành viên ban lâm nghiệp...).

Kết quả hoạt động của ban lâm nghiệp xã.

Qua 5 năm hoạt động, ban lâm nghiệp xã đã tham gia phối hợp với lực lượng kiểm lâm và chủ rừng tuyên truyền thu hút gần 25.000 lượt người tham gia; cấp phát 15.530 tờ rơi và áp phích tuyên truyền. Vận động hộ gia đình, cá nhân, nhà hàng quán ăn, đơn vị chế biến lâm sản ký 7.500 bản cam kết bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Họp dân, vận động nhân dân xây dựng 279 quy ước bảo vệ rừng. Lựa chọn hộ nhận khoán tại địa phương để đề nghị với chủ rừng ký hợp đồng giao khoán. Đến nay, toàn tỉnh đã giao khoán bảo vệ rừng được 306.316ha cho các tổ chức hộ gia đình. Giúp UBND xã nắm ranh giới, diện tích loại rừng và đất rừng trên địa bàn quản lý. Tham gia giải tỏa, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm... để giao lại cho chủ rừng và chính quyền địa phương quản lý theo chức năng. Tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét, phát hiện 5.946 vụ. Trong đó: tham mưu Chủ tịch UBND cấp xã xử phạt hành chính 1.831 vụ, góp phần giảm áp lực xử phạt cho các cơ quan chức năng của huyện, đồng thời phát huy vai trò chức năng của chính quyền cấp cơ sở. Theo đánh giá, nhiều ban lâm nghiệp xã trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, trong đó nổi lên một số ban thuộc các huyện Bảo Lâm, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt... Ban lâm nghiệp xã thực sự là cầu nối giữa UBND xã với lực lượng kiểm lâm, chủ rừng trong việc phát hiện ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm tại gốc; tạo được phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức phối hợp giữa các ngành, đoàn thể xây dựng mạng lưới bảo vệ rừng tại cơ sở. Tạo điều kiện thuận lợi thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền địa phương. Hoạt động của ban lâm nghiệp xã còn tác động tích cực giúp kiểm lâm địa bàn thực hiện nhiệm vụ.

Hạn chế, khó khăn của ban lâm nghiệp.

Trình độ chuyên môn của các thành viên còn hạn chế, bị chi phối bởi nhiều nhiệm vụ nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Cương vị chủ chốt của UBND xã hoạt động theo nhiệm kỳ nên khi thay đổi về nhân sự, đòi hỏi phải tổ chức sắp xếp lại thành phần ban lâm nghiệp xã. Các thành viên mới hoạt động kiêm nhiệm chưa có điều kiện tập huấn, chưa có cán bộ chuyên môn lâm nghiệp giúp việc. Kinh phí cho hoạt động của ban lâm nghiệp xã thấp, chưa khuyến khích được lực lượng tại địa phương tham gia quản lý bảo vệ rừng. Phương tiện, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ còn nhiều hạn chế. Mô hình hoạt động ban lâm nghiệp xã chưa được quy định đồng bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật Nhà nước, gây khó khăn không ít cho địa phương khi đề ra các quy định về tổ chức và cơ chế hoạt động của tổ chức này. Thực tế, chính quyền cơ sở là cấp quyết định mức độ hiện thực hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước. Việc tham gia của chính quyền cơ sở là khâu yếu nhất hiện nay trong công tác bảo vệ rừng, cần có quy định thống nhất thực hiện trong cả nước về cơ chế, tổ chức giúp việc cho Chủ tịch UBND cấp xã đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Từ mô hình hoạt động ban lâm nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tổng kết mô hình ban lâm nghiệp hoặc cán bộ phụ trách lâm nghiệp cấp xã ở các địa phương khác nhau trong cả nước để ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành quy định thống nhất về tổ chức và hoạt động. Có như vậy, sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương, mà tiêu biểu là bộ máy chính quyền cấp xã, đối với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng sẽ có bước đột phá mới, khởi sắc và hiệu quả hơn.

ĐẶNG QUỐC THÁI BÌNH
Số lượt đọc:  1450  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:53:04 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH